Hậu-thuộc-địa (post-colonialism)
Các quốc gia nói trên hầu hết cùng chia sẻ chung một đặc thù lịch sử: hậu-thuộc-địa. Phong trào giải thực thập niên 50, 60 của thế kỷ 20 đã giúp cho người dân các nước này thoát khỏi xiềng xích nô lệ thực dân Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Tây-ban-nha, và Hoa-kỳ. Dẫu thế, địa chính trị (geopolitics) đã đưa đẩy đa số các quốc gia này hoặc về phe Cộng sản hoặc vào phía Tư bản. Chỉ một số ít quốc gia khéo léo, lèo lái giữ vững được vị thế của mình không để bị lôi cuốn vào vòng đối lập này.
Sau khi giành được độc lập từ thực dân, các quốc gia hậu-thuộc-địa đã cùng nhau hội họp với tiên đề xây dựng đất nước để hậu thuẫn lẫn nhau. Hội nghị Á-Phi năm 1955 (Bandung Conference in Indonesia) khởi xướng phong trào các quốc gia không liên kết (Non-Aligned Movement, NAM). Phong trào này thành hình năm 1961 nhằm giúp các nước mới có độc lập kháng cự lại ảnh hưởng của hai khối quyền lực chính trị Tư bản và Cộng sản. Tuy nhiên, ý thức hệ chính trị và điều kiện xã hội của các quốc gia nằm trong phong trào không liên kết quá đa dạng và khác biệt nên không tạo được đoàn kết. Phong trào này rốt cuộc không đạt được kết quả như vạch ra trong chính sách và đề cương.[1]
Việt Nam là một trong những quốc gia hậu-thuộc-địa và đã có một số phận không may mắn lãnh nhận “nghĩa vụ quốc tế” làm “tiền đồn chủ nghĩa cộng sản” và con bài domino “ngăn chặn làn sóng đỏ”. Hậu quả là huynh đệ tương tàn, thằng sứt trán, đứa bể đầu. Rồi thì “giải phóng” thống nhất một nhà nhưng độc lập chủ quyền thì chẳng thấy và nào biết dân chủ, tự do. Cái chủ nghĩa (giáo) mác (lưỡi) lê đã chặt đứt đầu mầm móng dân chủ và đâm thủng lòng ước vọng tự do của toàn dân.
Mầm dân chủ trong thời hậu-thuộc-địa bị chặt móng ngay lập tức khi giới trí thức lên tiếng đòi tự do ngôn luận, độc lập báo chí qua phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm. Họ bị ngược đãi, phỉ báng, trù dập, cô lập cho đến chết. Phan Khôi khi mất chỉ có một người người cô và người cháu đưa tang, mộ bị mất không kiếm được. Triết gia Trần đức Thảo thì chết một mình trong căn nhà xập xệ và hài cốt để ở dưới gầm cầu thang. Nguyễn Hữu Đang lúc gần chết thì sợ không có chỗ chôn. Nhà thơ Hữu Loan phải về quê Thanh Hóa thồ đá để không phải chung đụng với phường bất nhân. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường thì đành làm “kẻ bị mất phép thông công”[2]. Một thế hệ tinh hoa dân tộc bị vùi vào tro bùn quên lãng.
Lòng ước vọng tự do của toàn dân thì bị (đâm) thủng ruột trong cái đói và bần hàn. Đói với tem phiếu trong xã hội chủ nghĩ–với “xếp hàng cả ngày” rồi “xuống hố cả nước”. Cùng cực vì đã làm “tiền đồn XHCN” nên khi Cu-ba ngủ thì Việt Nam thức (trắng mắt). Đói với hợp tác xã “gõ kẻng” đi làm trên những hoang tưởng không tự vẽ vời của “cánh đồng năm tấn” để bị thu thóc như “Cái đêm hôm ấy… đêm gì!”.[3] Đói, đói, và đói. Đói như thế thì làm gì có ước vọng tự do mà chỉ mơ cơm trắng[4].
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, một nhà nước “chuyên chính vô sản” búa liềm đã siết chặt gọng cùm trên cổ người dân từ khi thành lập nằm 1946 cho đến khi cả nước sắp bị chết đói cuối thập niên 80 thì “đổi mới”. Chuyển tiếp đến là cuộc tiếm quyền của tập đoàn tội phạm Bộ chính trị Đảng CSVN—một thể chế độc tài, độc tôn, tự bầu bán, tự tung, tự tác, thao túng, tham nhũng và áp đặt quyền lực của bè đảng trong mọi lãnh vực. Người dân không có một tiếng nói, không có mảy may quyền công dân nào cả. Mọi người dân trở thành tù nhân dự bị, sẳn sàng bị bỏ tù bất cứ khi nào thực hiện quyền công dân của họ.
Tập đoàn quyền lực này thay ngôi đổi vị với thực dân ngoại xâm để trở thành nội-thực-dân. Chúng vẫn tham tàn không kém mà còn áp bức dã man hơn vì chúng đã học chuyên được phương sách, thủ đoạn cả Đông lẫn Tây để áp dụng cai trị dân. Chúng dùng cùm, dùng còng, dùng hơi cay, dùng chó nghiệp vụ, dùng báo chí (chó nghiệp vụ thời thượng), dùng loa phát thanh, truyền hình, dùng cả bao cao su (thời trước thì trùm bao bố cho mò tôm), dùng thủ anh và thủ nhang (bình vôi – bái vật – bà đồng) hội văn vẻ tuyên (huấn) sớ tế sống. Chúng điều kiện hoá và nô lệ hóa nhân dân với cái “sợ” qua thủ tục hành (là) chính “đầu tiên” (tiền đâu?). Vì hằng hà sa số “chuyện thường ngày ở huyện”[5] như thế nên xã hội đã biến thái trở thành vô cảm khi ngày một ngày hai phải ra vào sống với “lũ” (người ngợm) và “sống trong sợ hãi”. Một xã hội không biết mình tụt hậu trong khi các quốc gia khác đã chọn đường đoạn tuyệt với chế độ cộng sản.
Hậu-cộng sản (post-communism)
Đã hơn 30 năm từ khi cuộc cách mạng nhung của phong trào đoàn kết công đoàn Ba-lan đứng lên phất ngọn cờ tiên phong giải phóng đất nước. Chế độ cộng sản tại Đông Âu và cả thành trì Liên Bang Sô Viết sau đó cũng đã nối nhau sụp đổ, tan rã. Các quốc gia này bước vào thời kỳ hậu-cộng-sản xây dựng đất nước theo mô hình dân chủ tự do. Con đường này tuy không phải thẳng băng, và có gập ghềnh nhưng vẫn định hướng về một chân trời mới.
Không ít các nước hậu-thuộc-địa Á-Phi thử nghiệm với chủ nghĩa xã hội nhưng họ không ngu dại ôm lấy cái chuyên chính vô sản kiểu Mao, Lenin, Stalin, Pol Pot, Kim, và Hồ. Rồi dần dần họ cũng vất bỏ nó không thương tiếc. Chỉ còn sót lại vài tên cai thầu nô lệ mới trung thành với chủ (thuyết) để nô dịch hoá đồng bào chúng.
Như có đề cập ở trên, hội nghị Á-Phi Bandung đã đơm hoa cho Phong trào không liên kết của các nước hậu-thuộc-địa vào năm 1955. Nhưng mãi đến hơn năm mươi năm sau, khi thiên niên kỷ mới lật những trang đầu thì thế giới mới chứng kiến một phong trào giải nội-thực-dân của nhân dân Phi châu vùng dậy chống áp bức lật đổ những nhà độc tài và thể chế toàn trị.
Cũng thế mới đây, phong trào cách mạng hoa lài từ Tunisia sang Egypt lan đến Lybia và Bahrain là phong trào liên kết của những người cùng khổ. Họ liên kết với nhau trong một không gian mạng, không biên giới, không đảng phái, không ý thức hệ, và không phân biệt giai cấp.
Mục tiêu của các cuộc cách mạng nhân dân này là đòi hỏi quyền công dân, được sống trong một xã hội tự do dân chủ. Họ đã vượt qua rào cản tâm lý sợ hãi mà các chính quyền nô dịch này áp đặt trong đầu họ trên mấy chục năm. Ông Hosam Khalaf, một kỹ sư 50 tuổi nói dân Ai-cập đã nhận được thông điệp từ Tunisia là “Đừng tự thiêu mà hãy thiêu đốt nỗi lo sợ trong lòng bạn. Đó là những gì đã xảy ra ở đây. Đây là một xã hội từng sống trong sợ hãi, và nỗi sợ hãi đã bị thiêu đốt ra tro tàn.”[6]
Một thiếu nữ khác nói “Đây là cuộc cách mạng cho ông của tôi. Họ đã nhẫn nhục bao nhiêu năm dưới chế độ độc tài này.” Anh Ghonim phát biểu “… Chúng tôi không là người phản quốc, chúng tôi yêu đất nước Ai-cập này. …Đây không phải là lúc chia chác nữa. Tôi nghĩ là các nhà chính khách hiểu tôi nói điều gì…”. Anh còn nói thêm, “Ngay sau khi tôi ra khỏi tù, tôi đã viết một mẩu tin rằng chúng tôi sẽ thắng, bởi vì chúng tôi không hiểu chính trị, bởi vì chúng tôi không hiểu những trò chơi bẩn thỉu của họ. Chúng tôi sẽ dành chiến thắng bởi vì những giọt nước mắt của chúng tôi xuất phát từ trái tim. Chúng tôi sẽ dành chiến thắng bởi vì chúng tôi có một giấc mơ. Chúng tôi sẽ dành chiến thắng bởi vì chúng tôi tin rằng nếu có ai đó ngăn chặn giấc mơ của chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ nó”.[7]
Ngọn lửa cách mạng nhân dân (kiểu 2.0) đang lan truyền đến các quốc gia láng giềng xa gần từ Phi đến Á. Những “con dân” Tunisia và Ai-cập đang giành lấy lại quyền công dân của họ để được sống trong xã hội dân chủ, tự do.
Từ cuộc cách mạng đó, họ đã dạy cho tất cả chúng ta 4 bài học sau: (1) Ý chí của nhân dân. Trước hết và trên cùng đó là: nhà nước và chính phủ hiện hữu từ nhân dân mà ra chứ không phải ngược lại (như ngụy biện loại đảng trên cả tổ quốc và đảng là tổ quốc); (2) Chìa khóa để chiến thắng luôn luôn nằm trong tay của người dân – không phải lệ thuộc vào một ngoại bang (Hoa-kỳ hay bất cứ thế lực nào); (3) Tự do không phải dễ định nghĩa (và thường hay bị bóp méo như “tự do đi theo lề phải”) nhưng bạn biết ngay khi bạn có tự do hay không; (4) Tiếng nói vang dội nhất là tiếng của luân lý. Mọi phương tiện không thể biện minh cho cứu cánh – thực ra phương tiện giúp xác định cái cứu cánh và kết cuộc. Thử hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu người Ai Cập, thay vì tuân thủ kỷ luật biểu tình phản kháng trong ôn hòa, lại dùng bạo lực khủng bố chống trả các quân lính và kẻ ủng hộ nhà độc tài để đạt được một kết thúc chính trị?[8]
Việt Nam trong thời “kinh tế thị trường” “định hướng xã hội chủ nghĩa” có khác gì chăng?
Mầm mống dân chủ vừa mới nhú lên và lòng khát vọng tự do mong được giọt hồi sinh thì đã bị yểu mệnh khai tử với đôi còng số 8 trong cái gọi là “tuyên truyền chống nhà nước” (điều 88, Bộ luật Hình sự) và “âm mưu lật đổ chế độ” (điều 79, BLHS). Một số trí thức tranh đấu cho dân chủ tự do lần lượt bị bắt giữ giam cầm trong tù đày không biết ngày về (hết hạn tù này bị treo hạn khác).
Trong nhà tù lớn, những đói khát về vật chất qua bao năm “tem phiếu” thời bao cấp, hợp tác xã, ngăn sông cấm chợ nay bùng nổ chuyển sang thèm muốn những chú dế, con xế (siêu dế, xế hộp, siêu xế, xế khủng) để lắc để quậy. Song song đó là một nền giáo dục xơ cứng trong giáo điều “hồng” chuyên chính vô sản, vô gia đình để phục vụ đảng. Những lý tưởng phục vụ nhân sinh, dân sinh đã gần như bị tuyệt giống, lạc giọng trong xã hội vật chất xô bồ của thời kỳ “đồ đểu”. Cũng cùng lúc, bè nhóm tập đoàn cầm quyền đảng CSVN như con ma đói không ngừng lam nham, lũng lạm ngân quỹ, khai thác cạn kiệt tài nguyên, hủy diệt môi trường, vơ vét cho riêng chúng.
Có hy vọng gì cho tương lai đất nước Việt Nam?
Phó thường dân tôi có quen một người anh xứ Quảng luôn khắc khoải về tương lai vận mệnh của đất nước. Anh rất bi quan về đất nước hiện nay nhưng ngược lại rất lạc quan tin tưởng vào thế hệ trẻ. Anh có một niềm tin tuyệt đối vào thế hệ trẻ vì anh cho rằng không ai khác hơn là thế hệ này nắm chìa khoá tương lai vận mệnh đất nước, được thịnh hay suy.
Dân tộc Việt Nam khó thoát ra được khổ nạn chế độ độc tài nếu thế hệ trẻ không dấn thân. Những người đã từng tạo ra lịch sử trước đây thì đa số cũng đã ra thiên cổ hoặc đang đứng bên vỉa hè lịch sử. Thế hệ kế tiếp (Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, AnhbaSG Phan Thanh Hải, LS Lê Trần Luật, LS Lê Thị Công Nhân, TS Cù Huy Hà Vũ, KS Đỗ Nam Hải, Nguyễn Ngọc Quang, Trần Khải Thanh Thủy, Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội, Vũ Văn Hùng, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Lê Trí Tuệ, Vũ Quang Thuận, người buôn gió Bùi Thanh Hiếu, mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, … kể sao cho hết) đã/đang lót đường, làm bản lề, và đòn bẫy cho thế hệ tiếp nữa nhảy vượt qua rào cản trì trệ, trơ lì, phản động của độc tài cộng sản.
Giới trẻ Việt Nam chắc chắn sẽ sánh vai ngang hàng với thế hệ trẻ Tunisia và Ai-cập đầy năng động, đoàn kết và phát kiến những chương trình và phương thức hành động bất bạo động tuyệt vời kêu gọi được quần chúng tham gia “vượt qua nỗi sợ” lật đổ chế độ độc tài áp bức.
Vì mẹ Việt Nam đã quá chán ngán, cạn lời tán thán cộng sản là “cái quân vô hậu!”. Mẹ Việt Nam đang mong chờ tuổi trẻ khởi động toàn dân cùng đứng dậy đem cái hậu của tự do, dân chủ, phú cường về cho đất nước Việt Nam hậu-thuộc-địa, hậu-cộng sản.
© 2011 Vietsoul:21
[2] Kẻ bị mất phép thông công, Nguyễn Mạnh Tường
[4] “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?”, Phùng Gia Lộc
[5] chuyện thường ngày ở huyện, Vietbao.vn
[6] Speaker’s corner on the Nile, Thomas L. Friedman. Bản tiếng Việt “Dòng sông Nile”
[8] Tóm tắt bài “Ai-cập: thời điểm học hỏi” (Egypt: A teaching moment? Amjad Atallah)
No comments:
Post a Comment