Sunday, March 6

Đa Nguyên Là Phản Động?

Khi bất cứ một cá nhân hay một tổ chức nào kêu gọi một xã hội đa nguyên, hầu hết tất cả đều bị các chế độ độc tài chụp cho cái mũ "phản động" và thường bị dập tắt bởi những cách thức khác nhau. Có người bị bắt đi tù, người khác bị quản chế và thậm chí có người bị thủ tiêu. Câu hỏi được nêu ra đa nguyên là gì và tại sao các chế độ độc tài lại sợ và không chấp nhận một xã hội đa nguyên?

Theo định nghĩa, một xã hội đa nguyên bao gồm nhiều thành phần tổ chức, đảng phái có những quyền bình đẳng như nhau, cùng tham gia vào một guồng máy nhà nước trong khuôn khổ đã được hiến pháp qui định. Trong một xã hội đa nguyên, quyền lực không được thâu tóm vĩnh viễn vào tay một đảng phái nào và nó phải được phân chia đều ra nhằm mục đích hạn chế sự thao túng quyền lực và điều này sẽ giúp cho việc ngăn cản sự hình thành của một chính thể độc tài. Một xã hội đa nguyên không phải là một điều gì mới mẽ, bởi nó đã được áp dụng trong những nước phát triển có một nền dân chủ tự do trên thế giới như: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật, v.v..

Chúng ta hãy cùng nhau mỗ xẽ để tìm ra nguyên nhân tại sao những chế độ độc tài đều sợ và không muốn chấp nhận một chính thể đa nguyên.

1. Không muốn phân chia quyền lực: Có lẽ, đó là then chốt quan trọng nhất mà các chế độ độc tài đều có cùng một quan điểm chung. Thật vậy, đối với những chế độ độc tài, quyền lực cũng đồng nghĩa với sự tồn vong, do đó, họ cương quyết không chấp nhận một xã hội đa nguyên vì họ hiểu được rằng ở trong một chế độ đa nguyên, quyền lực sẽ được phân tán và được giám sát bởi các cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo tính công bằng, công khai trong xã hội. Nhưng, đối với những chế độ độc tài, chấp nhận một chế độ đa nguyên chẵng khác nào tự khai tử cho chính họ, vì thế, họ mặc nhiên bất chấp mọi dư luận và dùng mọi thủ đoạn kể cả nổ súng vào người dân để bảo vệ cái quyền lực độc tôn mà họ đang có trong tay. Nhưng, có lẽ họ đã hoàn toàn sai khi nghĩ rằng quyền lực phải được tập trung và thuộc về họ. Quyền lực của một quốc gia vĩnh viễn không bao giờ thuộc về bất cứ một đảng phái nào và nó phải thuộc về người dân vì chỉ có người dân mới thật sự là người làm chủ đất nước. Vì vậy, chúng ta cần phải ý thức rằng, chế độ độc tài là một chế độ cướp đi quyền làm chủ của người dân và đồng nghĩa với đi ngược lại quyền lợi của dân tộc.

2. Trục lợi cá nhân: Từ độc tài sẽ dẫn đến lạm dụng quyền lực, từ lạm dụng quyền lực sẽ dẫn đến những trục lợi cho cá nhân như tham nhũng, hối lộ, ăn cắp tài nguyên quốc gia, cướp đoạt đất đai, mua quan bán chức v.v.. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến bất cứ một chế độ độc tài nào cũng đều sống chết để bám giữ bằng được cái chế độ của họ. Bởi, quyền lực đi đôi với lợi nhuận và lợi nhuận thi thỏa mãn nhu cầu đòi hỏi về vật chất của cá nhân. Ở trong xã hội Việt Nam ngày nay, hầu hết tất cả các cán bộ, quan chức nhà nước bằng cách này hay cách khác đều tham nhũng và ăn cắp của công tạo nên một dây chuyền từ trung ương cho đến địa phương. Chúng ta có thấy bất cứ ông hoặc bà cán bộ nào đang tại chức, tại quyền mà không sống trong cảnh giàu sang phú quí? Không ai có thể hiểu được với một đồng lương tạm đủ sống cộng thêm sự lạm phát như phi mã, làm sao họ có thể làm giàu một cách nhanh chóng như vậy?!

Tham nhũng, hối lộ, thiếu công bằng, hà hiếp dân lành, bưng bít thông tin, yếu hèn quì lụy trước ngoại bang là những gì mà chúng ta thường thấy trong một chế độ độc tài, vậy trong một xã hội đa nguyên, chúng ta sẽ được những gì?

1. Quyền làm chủ đất nước: Chỉ trong một xã hội đa nguyên, người dân mới thực sự là chủ đất nước của mình bằng những lá phiếu thông qua những cuộc bầu cử công bằng, minh bạch để bầu chọn những ứng cử viên thích hợp đảm nhiệm trọng trách lèo lái vận mệnh của đất nước.

2. Một xã hội tự do, công bằng: Tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền tham gia vào guồng máy nhà nước mà không bị phân biệt tuổi tác, xuất xứ hoặc bất cứ một đảng phái nào, có quyền tự do cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực kinh doanh và quan trọng nhất là có quyền tự do phản biện đối với những chính sách sai trái mà không bị bất cứ một sự trả thù nào.

3. Một xã hội lành mạnh: Khi quyền lực đã được cân bằng và chịu dưới sự giám sát của người dân, những quốc nạn như tham nhũng và hối lộ tất nhiên sẽ bị phanh phui và trừng trị bởi luật pháp. Vì vậy, những tệ nạn xã hội sẽ được giảm đi một cách đáng kể.

4. Cơ hội cho một đất nước phát triển: Dù chúng ta có cố gắng đến đâu, đất nước của chúng ta cũng không thể phát triển lên được nếu xã hội vẫn còn dưới sự cai trị bởi một thể chế độc tài. Nhưng trái lại, trong một xã hội đa nguyên, nhà nước là do dân bầu ra và làm việc theo đúng lợi ích của người dân, cơ hội để có một đất nước vươn lên hoàn toàn có thể thực thi được.

5. Một cuộc sống ấm no, tươi đẹp cho người dân: Đây không phải là một ảo tượng mà thực tế đã chứng minh được điều này. Chúng ta hãy thử nhìn vào những nước tự do trong khu vực châu á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, v.v.. Đời sống của người dân họ như thế nào? Có phải là họ đã vượt chúng ta quá xa? Chúng ta hãy tự hỏi tại sao họ có được những bước nhảy vọt như vậy, mà chúng ta lại không thể? Đó là vì đất nước của họ được xây dựng trên một nền tảng dân chủ và đa nguyên.

Những lời kêu gọi đa nguyên, đa đảng cho xã hội Việt Nam có phải là những lời phản động hay không, xin dành lại cho bạn đọc tự tìm câu trả lời cho chính mình. Muốn có một đất nước vươn mình, muốn có một xã hội lành mạnh và công bằng với một guồng máy nhà nước công khai và minh bạch, muốn có một đời sống tự do và hạnh phúc, có lẽ chỉ có một con đường duy nhất. Đó là con đường đa nguyên, đa đảng cho đất nước Việt Nam. Và, muốn làm được điều này, các bạn hãy ủng hộ và tham gia vào bất cứ hoạt động, phong trào kêu gọi dân chủ nhằm biến ước mơ thành sự thật cho một xã hội phồn vinh, công bằng và tự do.

Con đường đấu tranh cho một đất nước dân chủ và đa nguyên sẽ còn dài và còn nhiều chông gai, bởi có chế độ độc tài nào dễ dàng chịu từ bỏ những quyền lực mà họ đang có trong tay? Nhưng lịch sử đã chứng minh lòng dân là một sức mạnh vô biên và những ai đi ngược lại lòng dân kẻ đó sẽ bị hũy diệt.

Nông Đức Dân

No comments:

Post a Comment