Mạng lưới Wikileaks
Trước đây 30 năm, muốn ăn cắp một tài liệu mật của Bộ Ngoại Giao Mỹ rồi chuyển sang cho một người nào đó, công việc rất vất vả. Phải trang bị một cái máy chụp ảnh nhỏ xíu, nhỏ hơn cái đồng hồ đeo tay. Về nhà, lấy phim ra rồi phải tìm cách giấu trong một cái gì cũng nhỏ xíu nữa, nhỏ bằng que diêm hay cái đồng xu, nhìn bên ngoài không ai biết trong đó là cuốn phim micro. Tiếp theo, phải chuyển nó đi, qua những “hộp thư chết” hoặc là trao tay nhau trong một đám đông người.
Bây giờ cậu Bradley Manning, 23 tuổi, có thể ăn cắp 250,000 tài liệu của Bộ Ngoại Giao Mỹ, chép tất cả vào một cái đĩa, đút túi đem về nhà. Rồi tới một ngày, cậu chuyển những tài liệu đó cho mạng lưới Wikileaks, trong nháy mắt. Julian Assange, chủ biên mạng lưới này đã lần lượt tung những bí mật này cho báo chí coi và in lại. Lần này, ba tờ báo nhận được tin mật là Der Spiegel (Ðức), El Pais (Tây Ban Nha) và Guardian (Anh), tờ báo Anh này đã cho đồng nghiệp New York Times được dùng chung tài liệu.
Có 900,000 công dân Mỹ được “bạch hóa về an ninh” (clearance) để có mật mã vào xem những tài liệu mật loại này; trong đó có cậu Manning. Cậu bước vào phòng làm việc với những cái đĩa CD ca nhạc của Lady Gaga, cậu xóa nhạc trong đó đi, rồi dùng mật mã để được phép vào mạng lưới Secret Internet Protocol Router (SIPR), chép các bức điện thư (email) chứa trong đó vào đĩa. Manning hiện đang nằm trong nhà tù ở Virginia, chờ giám định y khoa xem cậu có bị bệnh thần kinh nặng hay không. Nếu bị truy tố và kết án, cậu có thể lãnh 52 năm tù.
Nhân vật đang giờ được cả thế giới chú ý đến là Julian Assange, người Úc Châu, đang “ẩn trốn” ở phía Nam thành phố London, nước Anh, hay là ở đâu đó bên Âu Châu, hay một nước Trung Ðông! Anh ta đã quyết định tung các tài liệu mật lên báo chí, sau khi coi kỹ. New York Times cho biết anh ta có xóa bỏ nhiều tên họ những người có thể bị nguy hại. Kết tội người ăn cắp tài liệu tương đối dễ, vì ăn cắp là có tội. Nhưng truy tố một người chỉ làm công việc phổ biến các tin tức bị ăn cắp thì khó. Vì các nước tự do dân chủ đều tôn trọng quyền tự do thông tin. Tại Mỹ đã có một án lệ: Năm 1971 Tối Cao Pháp Viện không cho phép chính phủ Nixon cấm tờ báo New York Times không được in các tài liệu mật lấy cắp từ Ngũ Giác Ðài. Trong các tài liệu bị tiết lộ đó có những lời nói của nhiều nhà lãnh đạo nước Mỹ cho thấy họ biết và nói với nhau những điều mà họ không cho công chúng biết; có khi ra trước công chúng họ nói ngược lại, tức là nói dối. Nội dung các câu chuyện đó liên can đến chiến tranh ở Việt Nam. Từ đó trở đi, các chính phủ Mỹ không kiện cáo những người phổ biến các tin mật nữa, mà chỉ tìm cách đối phó khi tin bị tiết lộ. Một vụ gần đây nhất là những bức hình chụp cảnh tù nhân ở Iraq bị dọa tra tấn, năm 2004, do Joe Darby, một binh sĩ công bố.
Nhưng các tài liệu bị tiết lộ gần đây không tai hại cho chính phủ Mỹ nhiều như các vụ trên. Tháng 4 và tháng 7 vừa qua, WikiLeaks chỉ làm cho các chính phủ Mỹ và Anh bối rối khi tiết lộ những lầm lẫn trong các cuộc hành quân ở Iraq năm 2007 và ở Afghanistan. Còn trong đợt tin tức bị tiết lộ sau cùng với khoảng 400,000 điện thư này thì cũng không có gì thuộc loại “bí mật về an ninh quốc gia” cả. Phần lớn đó là những chuyện thì thầm nhỏ to trong giới ngoại giao. Thí dụ, Ðại Sứ Mỹ Richard Hoagland tại Astana, thủ đô Kazakhstan báo cáo một nhân viên tòa đại sứ bắt gặp Thủ Tướng Karim Massimov nhẩy đầm say sưa trong một discotheque ở vào lúc quá nửa đêm.” Hay là một công chức ngoại giao Trung Quốc gọi lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Nhật là một “đứa con nuông” khó dạy.
Nếu có người bị thiệt hại vì những tiết lộ mới này, đó là các viên chức là lãnh tụ các nước khác, khi các các nhân viên ngoại giao Mỹ vô tình báo cáo những lời họ được nghe các nhân vật này nói với họ. Thí dụ ông Tổng Thống Yemen Abdullah Saleh, nói với Tướng Mỹ Petraeus, chỉ huy quân đội Mỹ ở vùng Trung Ðông, rằng ông sẽ tiếp tục nói dối về những vụ Mỹ ném bom vào các căn cứ quân khủng bố ở nước ông: “Tôi sẽ cứ nói đó là bom do chúng tôi ném, không phải do các anh ném!”
Tất nhiên, những người như Tổng Thống Saleh hay Thủ Tướng Massimov sẽ ngượng ngùng khi báo chí và dân chúng nước họ biết những việc họ làm hay những lời họ nói trong vòng bí mật. Nhưng rất “may mắn” là ở những quốc gia này, chính quyền vẫn nói dối quen rồi! Họ không chấp nhận cho báo chí tự do! Cho nên, việc Wikileaks tiết lộ các tin trên cuối cùng chẳng gây nên tai hại nào cho các “lãnh tụ anh minh” đó cả!
Qua những tài liệu bí mật bị lộ chúng ta thấy ở những lãnh tụ nói dối phần lớn là từ các nước độc tài, họ chuyên nói hai lối khác nhau, trước công chúng nói một cách, chuyện trò thân mật với các nhà ngoại giao Mỹ lại nói khác! Các chính quyền độc tài thường phải sống đạo đức giả, không thể nào sống khác được!
Không thấy các nhà ngoại giao Mỹ phạm tội nói trong chỗ riêng tư những lời trái ngược với những gì họ nói với các nhà báo hay điều trần trước quốc hội. Chỉ trừ những điện thư trong đó các nhân viên ngoại giao Mỹ báo cáo về các hành động dò thám của họ đối với nhân viên nhiều phái đoàn ở Liên Hiệp Quốc; kể cả ông tổng thư ký! Nhưng có nhà ngoại giao nước nào đến Liên Hiệp Quốc họp ở New York mà không biết trước mình sẽ bị mật thám Mỹ dò xét? Một điện thư tai hại do một nhà kinh doanh ở Afghanistan viết, ông ta báo cho chính phủ Mỹ những tin tức thu lượm được tại Iran. Nhưng “điệp viên” ngây thơ này ghi trong thư các chi tiết về nơi sinh, trường học cũ, địa chỉ gia đình, nơi buôn bán của anh ta trong thư. Tuy không ghi tên họ thật nhưng gián điệp Iran sẽ biết ngay anh ta là ai! Ðây là một cơ hội cho anh được giải nghệ, và nước Mỹ đỡ
phải trả công cho một điệp viên rất hớ hênh!
Một điều bị tiết lộ làm chính phủ Mỹ bối rối nhất có lẽ là những ý kiến của các chính quyền Á Rập ở Trung Ðông nói riêng với người Mỹ, được các nhà ngoại giao này báo cáo về nước rồi bây giờ cả thế giới được nghe! Vua Á Rập Sau Ði bảo người Mỹ hãy “Cắt đầu cái con rắn” Iran đi! Tấn công hẳn vào Teheran đi! Thế rối lãnh đạo các nước Ai Cập, Jordan, các tiểu quốc vùng Vịnh, cũng nói như vậy cả!
Nhưng có thể gọi những ý kiến trên là mới lạ, đáng ngạc nhiên hay không? Thật ra chẳng có gì mới cả. Ai cũng biết các nước Á Rập ghét Iran. Ða số dân họ theo phái Sunni, còn 90% dân Iran theo phái Shia. Không những thế, Iran vẫn tiếp tế, yểm trợ cho những người Shia thiểu số trong các nước Á Rập để đòi hỏi các quyền lợi của họ. Nếu Iran có bom nguyên tử thì không phải chỉ Israel bị dọa mà các nước Á Rập mới lo!
Nếu mục đích của những người tiết lộ và đang tải các tài liệu này là chống Mỹ, thì họ lại làm cho chính quyền Mỹ trông có vẻ sạch sẽ, tử tế hơn các nhà ngoại giao nước khác! Giới ngoại giao Hoa Kỳ chỉ có tội là vẫn tiếp tục giao du với các chính quyền độc tài khắp thế giới! Tất nhiên, nếu các vị quốc vương hay tổng thống những xứ Á Rập đều thành thật, nếu họ cai trị dân theo lối minh bạch, công khai, thì tốt nhất. Nhưng nếu họ không sống như vậy, cứ thì thầm với các nhà ngoại giao Mỹ những điều họ không bao giờ nói trước đám đông, thì chính quyền Mỹ cũng phải chấp nhận!
Khi thành lập mạng Wikileaks, giấc mộng của Julian Assange rất lớn. Như anh ta viết năm 2007: “Mối quan tâm chính của chúng tôi là phơi bày sự thật về những chế độ độc tài áp bức tại Á Châu, khối Xô viết cũ, các nước Phi Châu vùng Sahara, và các nước Trung Ðông...” Anh ta yêu cầu mọi người khắp thế giới hãy gửi cho Wikileaks những tài liệu mật để “phô bày những hành vi phi đạo đức của các chính phủ và các công ty thương mại.”
Nói vậy, nhưng trong mấy năm qua chưa thấy các người Á Châu hay Phi Châu giúp Assange. Không thấy tài liệu nào về việc khai thác bô xít hay cho Trung Quốc thuê rừng ở Việt Nam! Phần lớn Wikileaks chỉ nhận được các tài liệu mật từ nước Mỹ là đáng công bố! Anh Assange nói trước anh có những tài liệu mật về các ngân hàng lớn, sẽ được tiết lộ. Tin đó mới tung ra, giá cổ phần của một ngân hàng lớn ở Mỹ đã bị xuống giá!
Hiện nay Julian Assange đang bị chính phủ Thụy Ðiển nhờ Cảnh sát Quốc tế Interpol truy tầm, về một tội không liên can gì đến Wikileaks. Anh ta phủ nhận không hề phạm tội về tình dục như chính phủ Thụy Ðiển nói, nhưng có thể anh vẫn bị dẫn độ sang Thụy Ðiển để xét xử. Nhiều người nghĩ là Thụy Ðiển bày ra cái tội đó cốt để bắt giữ anh Assange, cho chính phủ Mỹ được nghỉ ngơi một thời gian, không lo một vụ tiết lộ các tài liệu mới. Nhưng điều này khó tin. Xưa nay nước Thụy Ðiển vẫn không yêu thích vai trò bá chủ của Mỹ, nếu có việc gì làm cho chính phủ Mỹ bối rối thì Thụy Ðiển chắc cũng không lo lắng giúp đỡ!
Trong khi chờ đợi chính phủ Mỹ phải chứng tỏ họ có phản ứng, đang làm “một cái gì đó” để ngăn cản anh Assange không cho tiếp tục. Có một việc chính phủ Mỹ có thể làm nhưng chưa chắc sẽ dám làm, là phá. Tại sao không dùng kỹ thuật tin học phá luôn cái mạng Wikileaks đi, không cho nó tác quái nữa?
Ðối với một nước sống trong tự do dân chủ thì trả lời câu hỏi này không dễ dàng. Chính phủ Obama không thể làm như chính phủ Putin hay Hồ Cẩm Ðào! Ông Putin đã dùng “quân xâm lăng tin học” tấn công làm tê liệt tất cả các mạng lưới ở Estonia năm 2007, làm cho các ngân hàng nước này tê liệt, dân chúng không rút được tiền từ máy ra nữa; các máy nhận thẻ tín dụng của cửa hàng không chạy nữa, những hợp đồng ký trên mạng lưới không thể áp dụng được nữa! Có thể nói cả nền kinh tế Estonia tê liệt trong một ngày, chỉ vì Nga muốn “trừng phạt” dân nước này đã đòi phá bức tượng “Hồng quân Giải phóng” nước họ! Năm 2008, ông Putin lại tái diễn đòn tấn công tin học đó đối với Georgia khi tấn công nước láng giềng này!
Nếu chính phủ Mỹ muốn “trừng phạt” Wikileaks và Assange thì phải dựng lên một thứ “Trường Thành Lửa” như chính quyền Trung Quốc đã và đang làm! Nhưng một chính quyền dân chủ tự do có muốn “nhúng tay vào bùn” như vậy hay không? Quốc Hội có cho phép hay không? Dư luận dân chúng có chấp nhận hay không? Cuối cùng, người Mỹ muốn chính quyền của họ tôn trọng các nguyên tắc dân chủ tự do nhiều hơn, hay là muốn bảo vệ uy tín các nhà ngoại giao và các lãnh tụ nước ngoài hơn?
Thiệt hại lớn nhất của nước Mỹ là trên mặt ngoại giao, từ nay các lãnh tụ thế giới không “nói thật” những ý nghĩ thầm kín của họ với các nhà ngoại giao Mỹ nữa. Nhiều thỏa ước ngoại giao chỉ ký kết sau khi người ta trao đổi những ý kiến không thể công bố được. Có những ý kiến nói ra sớm quá có thể khiến các cuộc hội đàm đổ vỡ. Giới ngoại giao Mỹ sẽ vất vả hơn khi sống trong cái nhà bốn chung quanh tường làm bằng kính, ai cũng nhìn qua được! Nhưng người ta có cần phải nghe một phó bộ trưởng Ngoại Giao Trung Hoa gọi Kim Chính Nhật là “con nuông” mới biết chính quyền cộng sản ở Bắc Kinh nghĩ gì về đám tay sai ở các nước cộng sản nho nhỏ hay không? Nền ngoại giao Mỹ sẽ thay đổi sau biến cố này. Sẽ bớt những chuyện thì thầm, ngồi lê đôi mách. Như vậy thì tốt hơn hay là xấu hơn? Nếu biết rằng ở nước Mỹ không thể giấu dân chúng cái gì cả, thì nền ngoại giao Mỹ sẽ phải công khai, minh bạch hơn. Quan trọng nhất là trong việc giao thiệp giữa Mỹ và các chế độ độc tài trên thế giới. Chính phủ Mỹ sẽ không thể nói một đằng, làm một nẻo, miệng hô hào dân chủ tự do mà cứ tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước các hành động đàn áp dân chúng của các chế độ độc tài!
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment